Trên Internet những ngày vừa qua, một cơn bão
mạng đã xảy ra với sức lan rộng vô cùng nhanh của các cư dân thời @. Cơn bão
chính thức được hình thành và phát triển vào ngày 11/10/2018 từ một phát ngôn
trên trang cá nhân Facebook của một ca sĩ nổi tiếng.[1]
Bên cạnh đó, một cơn bão khác với những cơn cuồng nộ và giận dữ đổ dồn về phía
một nữ sinh năm 4 đã vứt bỏ con mình sau khi vượt cạn vào ngày 18/10/2018 lại
làm cho mạng xã hội xôn xao.[2]
Điều gì đã xảy ra sau phát
ngôn của Mỹ Linh và sự kiện cô nữ sinh năm 4 ném con
Không cần
phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu, sự việc được bắt đầu từ một chia sẻ ý kiến
cá nhân về nhà hát 1.500 tỷ trên trang mạng Facebook, ca sĩ Mỹ Linh đã bị cộng
đồng mạng chỉ trích “ném đá” một cách sôi nổi. Với bài đăng có hình ảnh gốc
nguyên văn chia sẻ của cô ca sỹ đã có tới 10.896 lượt chia sẻ chỉ trong 2 ngày.
Những cụm từ “bà này”, “cái thứ này…thứ nọ…” xuất hiện trong từng bình luận mà
dân mạng không tiếc dùng để chỉ cô ca sỹ. Chưa dừng lại ở đó, cư dân mạng kêu gọi
nhau tẩy chay tất cả những sản phẩm có hình ảnh và có sự tham gia của ca sỹ Mỹ
Linh. Con số chia sẻ, bình luận trên những cuộc kêu gọi này tính lên số hàng
ngàn lượt. Kết quả là hãng gốm sứ Minh Long gỡ hình đại diện của cô ca sỹ ra khỏi
sản phẩm[3],
đời tư của cô bị đem ra bàn tán sôi nổi hơn bao giờ hết.
Cô nữ
sinh năm 4 của một trường đại học ở Hà Nội đã ném đứa con vừa được sinh ra xuống
đất từ tầng 31. Ngày 18/10 là ngày xảy ra sự kiện, cô nữ sinh ấy cũng đã bị cộng
đồng mạng tìm tới tận địa chỉ riêng, lục lọi cả đến trang cá nhân và đời tư bị
bới lên một cách không thương tiếc. Cô mặc nhiên bị xem là kẻ sát nhân, không
có nhân tính và nhiều biệt danh khác mà người ta đặt cho cô.
Chúng ta
có thể thấy rằng 2 nhân vật trên đã trở thành nạn nhân của sự chỉ trích, ném đá
trên không gian mạng. Không chỉ dừng lại ở thế giới ảo mà những hệ quả nó gây
ra đã tác động sâu sắc đến đời sống thực của người đó.
Thấy gì qua tâm lý của đám
đông
Dường
như trong 2 “cuộc bão mạng” này đều có một điểm chung của một đám đông giận dữ.
Qua đó, tôi nhớ lại bảy bước căm ghét nơi đám đông của John R.Schafer và Joe
Navarro.[4]
Bước 1: Những người căm ghét hay phẫn nộ tụ tập lại với
nhau.
Bước 2: Họ tạo lập một bản sắc riêng. Người ta cùng nhau
kêu gọi tẩy chay các sản phẩm và các chương trình dính líu đến đối tượng.
Bước 3: Họ giễu cợt, phỉ báng đối tượng và củng cố hình ảnh
bản thân. Thường dùng lời lẻ và những hình ảnh để lấy đối tượng làm trò cười.
Bước 4: Sự lăng nhục và thóa mạ đối tượng được nâng lên một
bậc.
Bước 5: Họ tấn không nhưng không dùng vũ khí. Có thể bằng
cách khủng bố tinh thần, đe dọa…
Bước 6: Tấn công bằng vũ khí. Không ít trường hợp tìm đến
nhà để đánh và khủng bố đối tượng bằng việc hành hung.
Bước 7: Đối tượng căm ghét bị phá hủy.
Một điều
mà chúng ta dễ dàng nhận ra trong các phản ứng của đám đông đó chính là sự thái
quá và thiếu đi tính lập luận. Tính thái quá của đám đống có thể ở cực yêu mến
hết tình, ủng hộ hết mức rồi lại đột ngột chuyển nhanh đến ghét cay ghét đắng,
đay nghiến cực độ. Và vì mọi người trong đám đông, ẩn danh và càng đông càng an
toàn. Chính vì thế mà thái độ trách nhiệm và tư duy cá nhân của một người trong
đám đông lại trở nên tê liệt.[5]
Không những thế, cách lập luận của đám đông
thường là cách lập luận khái quát hóa hời hợt, nhanh chóng dựa vào các đối tượng
và sự kiện bên ngoài có vẻ giống nhau.[6]
Chúng ta có thể cho rằng cô sinh viên năm 4 là kẻ sát nhân, mất nhân tính vì có
những sự kiện như giết người, mẹ đi giết con, ném con ra cửa, áo dính máu…dường
như có nhiều tình tiết như các vụ giết người khác.
Trí tưởng tượng của đám đông cũng đóng một
vai trò vô cùng quan trọng. Vì trong hoàn cảnh cụ thể và đang chịu sự kích
thích của đám đông thì việc tư duy lô-gích của từng cá nhân hoạt động kém hiệu
quả.[7]
Đơn cử như trong trường hợp cô nữ sinh năm 4 ném con mình qua cửa sổ, người ta
chẳng cần biết trước đó hoàn cảnh của cô như thế nào, trong lúc mang thai ra
sao và hoàn cảnh của cô lúc sinh xảy ra thế nào. Chính lúc đó, trí tưởng tượng
của cá nhân trong đám đông được kích hoạt bằng việc xâu chuỗi các sự kiện; cô nữ
sinh năm 4 mới có 21 tuổi, cô vẫn sinh hoạt với 2 bạn trai trong lúc mang thai,
cô sinh con xong rồi ném đi, áo còn dính máu khi bị bắt… và kết luận rằng cô
không còn là “người phàm”
Bác ái Ki-tô
giáo qua từng con chữ trên không gian mạng
“Lạy Cha, xin tha cho chúng vì
chúng không biết việc chúng làm.” (Lc 23: 34).
Mạnh Tử đã nhìn thấy trong tận thâm
tâm con người luôn có một cái tâm hướng thiện và nó được nuôi dưỡng để trở nên
hoàn hảo hơn[1].
Còn theo Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI đã nói trong bài huấn dụ các thành viên
hiệp hội Caritas năm 2011 rằng: “Các Kitô Hữu, chính Thiên Chúa là nguồn gốc
tình bác ái, và bác ái được hiểu không chỉ đơn thuần là lòng tốt theo nghĩa
chung chung, nhưng là sự trao ban chính mình, cả tới mức độ hy sinh mạng sống
mình vì người khác, theo gương của Chúa Giêsu Kitô.”
Tôi cũng như bạn đều có quyền chia sẻ
những cảm xúc và có quyền tỏ thái độ của mình trước những bất công, những tội
ác trong xã hội. Điều quan trọng là chúng ta thực hiện nó như thế nào vì ngoài
là một cá nhân trong xã hội, tôi và bạn còn có trong mình thân phận là con
Thiên Chúa. Những lời bình luận thiếu thẩm mỹ hay những ngôn từ sặc mùi gây chiến
có lẽ cần được suy xét thật kỹ trước khi nó được dùng. Nói đến đây quả thật rất
khó để nói được như trong Kinh Thánh: “Điều răn đứng đầu là, Nghe đây: hỡi
Israel, Đức Chúa Thiên Chúa của chúng ta, là Thiên Chúa duy nhất. Ngươi phải
yêu mên Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn và hết sức
lực ngươi. Điều răn thứ hai là: ngươi phải yêu người thân cận như chính
mình. Chẳng có điều răn nào trọng hơn các điều răn đó.” (Mc 12: 29-31;
Mt 22: 34-40)
Dẫu biết rằng không gian mạng là một
thế giới ảo nhưng nó cũng mang đến biết bao hậu quả thật cho những đối tượng bị
gièm pha và công kích trên đó. Chúng ta có thể bình luận một cách thoải mái mà
thiếu đi sự suy xét hậu quả để lại cho đối tượng hứng chịu sự sỉ nhục của chúng
ta sẽ khiến cho chúng ta trở nên những Ki-tô hữu giả hình và để Chúa lại nhà thờ
như Đức Phanxicô đã nhắc đến trong bài giảng người ngài.[2]
Thường người ta
sẽ bước đi vững hơn sau khi đã đặt một chân thật chắc. Chúa trao ban cho chúng
ta một trái tim biết yêu thương và chúng ta có trách nhiệm nuôi dưỡng tình yêu
thương đó được lớn lên dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Thánh Phanxicô Assisi
cũng đã cầu nguyện trong lời Kinh Hòa Bình là được “Đem yêu thương vào nơi oán
thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an bình vào nơi tranh chấp…”
Tôi thiết nghĩ rằng điều chúng ta cần
lúc này là nuôi dưỡng trong tâm hồn mình một tình bác ái Ki-tô giáo đích thực.
Một tình bác ái mang tính đại đồng, quảng đại và vị tha. Chúng ta luôn bày tỏ
lòng mưu cầu hạnh phúc cho người khác và đồng thời trở nên một tiếng nói chống
lại bất công, tội ác. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm xã hội và đời sống của
chúng ta tốt đẹp hơn bằng những cơn giận dữ và nguồn cảm xúc đến từ đám đông được.
Chúng ta không thể mang người khác đến được với Chúa nếu lòng căm phẫn của
chúng ta khao khát loại trừ. Vâng, mang Chúa vào trong từng câu chữ thật khó!
Nó khó vì tỏ bày lòng tha thứ, yêu thương khi đứng trước bất công, đau khổ
trong thân phận yếu đuối của chúng ta. Hiếm ai có thể thản nhiên nói rằng đau
khổ là “bình thường”. Tuy vậy, cách thức mà chúng ta đối diện với bất công,
cách chúng ta giải quyết những điều xem chừng ra xấu xa ấy mà chúng ta phải gặp
hằng ngày sẽ cho chúng ta biết “Tôi gần Chúa đến mức nào?”
JB. Nguyễn Phi
Long, S.J.
[2]https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2018-10/santamarta-051018-khoncho-cackitohuu-giahinh-ho-de-chua-o-lai.html
Bibliography
Arrington, Robert L. "The
World's Great Philosophers." Mencius (Blackwell), 2003: 211-216.
Bon, Gustave Le. Tâm Lý Học Đám Đông.
Edited by Nguyễn Mai Chi, Đoàn Vân Hà Nguyễn Cảnh Bình. Hà nội: NXB Thế Giới,
2017.
John R.Schafer; Joe Navarro, “Senven-stage hate model”, FBI
Law Enforcement Bulletin, Volume:72, Issue: 3. 3/2003.
https://vietnammoi.vn/phat-ngon-ung-ho-viec-xay-nha-hat-nghin-ti-o-tp-hcm-ca-si-my-linh-bi-cong-dong-mang-nem-da-gay-gat-150543.html
https://news.zing.vn/phat-hien-thi-the-tre-so-sinh-giua-san-chung-cu-o-ha-noi-post885558.html
https://baomoi.com/gom-su-minh-long-da-go-hinh-anh-diva-my-linh-lam-dai-dien-thuong-hieu/c/28187464.epi
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2018-10/santamarta-051018-khoncho-cackitohuu-giahinh-ho-de-chua-o-lai.html
No comments:
Post a Comment