Friday, January 11, 2019

Tổ Ấm Giữa Giông Tố


Tổ Ấm Giữa Giông Tố



Ngồi trên ban công của nhà Dòng, tôi bất giác nhìn ra những giọt mưa đang nhẹ buông giữa buổi chiều buồn ảm đạm. Mưa rơi ngoài trời hay trong lòng tôi mà làm cho lòng tôi ướt sũng khi hình ảnh của người mẹ đang tảo tần hôm sớm nơi quê nhà ùa về bất tận. Gió cuộn từ nơi đâu làm cho bao ký ức về gia đình từ đó lũ lượt kéo nhau về. Tổ ấm, tiếng gọi thân thương mà bất kì ai sinh ra trong cuộc đời đều mong được ủ ấp trong đó.
            Không chỉ đơn thuần khi ta có một mái nhà thật to và vài ba con người sống chung trong đó chưa chắc là tổ ấm. Vậy mà chỉ là một mái tranh nghèo thôi nhưng lại được sưởi ấm bằng tình cảm vợ chồng thiêng liêng và tình yêu thương, chăm sóc lại trở nên một tổ ấm mà bất kì ai đã ở đều không muốn rời xa.
            Tôi vẫn còn nhớ như in những tháng ngày mình còn sống ở quê. Căn nhà chỉ có khoảng 50m2 cho năm người sống. Ba tôi là một tài xế lái xe. Mẹ tôi là một phụ nữ tảo tần với gánh hàng ăn để lo cho ba miệng ăn còn đang trong tuổi chơi, tuổi học. Cuộc sống cứ thể trôi qua, gia đình tôi cũng phải chật vật để kiếm từng đồng. Vào một ngày nắng đẹp hơn mọi ngày, tôi chẳng biết lý do tại sao ba tôi lại dọn dẹp khu bếp nơi mẹ vẫn hằng ngày nấu nướng cho gánh hàng của mình. Cuộc sống nhà tôi tuy nghèo xen lẫn vất vả nhưng tình yêu của ba và mẹ dành cho anh chị em chúng tôi luôn tràn trề, chan chứa. Hôm ấy, ba tôi làm một bữa cơm thịnh soạn với 5 con cá mú chiên giòn cùng với một chén nước mắm tỏi ớt. Bên cạnh đó, ba tôi cũng bày thêm một dĩa rau muống luộc và một tô nước luộc rau với chanh. Một bữa cơm thịnh soạn được bày lên bàn và nhẹ nhàng đậy lồng bàn lại. Tôi nào biết rằng đó là bữa cơm cuối cùng mà ba tôi dành tặng cho cả nhà.
            8 giờ tối, chị gái tôi gọi điện về, bên đầu dây bên kia tôi chỉ nghe được một câu: “Nhà lo dọn dẹp, ba chết rồi”. Xung quanh tôi như tối sầm lại và dường như tai tôi hóa rè ra với những điều vừa đón nhận. Kể từ sau khi ba tôi đi, tôi vẫn dùng chính chiếc chăn mà ba tôi dùng lúc còn sống để giữ ấm cho mình như thể muốn níu kéo chút hơi ấm của một bàn tay mạnh mẽ vừa đi qua trên cuộc đời mình.
            Khoảng thời gian sau đó tôi sống cùng với mẹ. Anh trai của tôi lại tiếp tục lên đường để hoàn tất chương trình nghĩa vụ quân sự. Chị gái tôi thì lên Sài Gòn học. Tôi ở lại quê vừa đi học mà cũng vừa chia sẻ cuộc sống cùng mẹ. Dường như, mọi vất vả, khó khăn với tôi trong khoảng thời gian đó lại trở nên những nấc thang để tôi sống mạnh mẽ hơn. Hồi đó, tôi dành dùm hết số tiền lì xì của mình để nói mẹ dẫn tôi đi mua một chiếc nhẫn vàng có khắc hình Thánh Giá. Tôi giữ chiếc nhẫn như vật bất ly thân và coi nó như là vật báu. Khoảng một năm sau đó, gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn kinh tế khiến mẹ tôi không còn đủ vốn để có thể tiếp tục kinh doanh gánh hàng ăn của mình. Mỗi buổi sáng khi đi học, tôi thấy mẹ nằm co ro trên giường, có vẻ như việc ngồi dậy để nghĩ xem ăn sáng món gì lúc ấy là một điều xa xỉ. Trưa đi học về, tôi còn trong túi áo đúng 20.000đ. Tôi dùng số tiền đó mua một hộp cơm 18.000đ và để dành 2.000đ còn lại mà trả tiền gởi xe khi đi học. Tôi mang hộp cơm về nhà, tôi và mẹ cùng chia nhau một hộp cơm. Tôi cố tình nhường cho mẹ miếng thịt to nhất vì tôi còn trẻ và còn khỏe. Mẹ thấy thế liền nhường lại cho tôi. Hai mẹ con chẳng ai nói ai lời nào, nhìn nhau rồi nước mắt đã rơi tự bao giờ.
            Trong lúc túng bấn lúc ấy, tôi chẳng biết làm gì khác ngoài việc hằng ngày chạy lên nhà thờ để cầu nguyện xin Chúa thương giúp đỡ gia đình mình. Đang vật lộn với những đau khổ và dằn vặt về nỗi bất lực của bản thân, tôi bất chợt nhìn xuống tay mình và phát hiện ra mình vẫn còn đeo chiếc nhẫn vàng đã làm phép. Tôi đeo chiếc nhẫn ấy với lời nhắc nhở rằng mình dành cuộc đời này cho Chúa theo con đường dâng hiến. Bất ngờ, tôi nghĩ rằng mình sẽ bán chiếc nhẫn đi để đưa cho mẹ. Con tim nói rằng bán nhưng cái đầu lại bảo không. Con tim nó nói bán đi để có tiền lo cho gia đình, còn cái đầu lại bảo nhẫn làm phép rồi bán đi không phải lẽ cho lắm. Trở về nhà, tôi thấy mẹ vẫn đang ủ rũ ngồi nhìn ra cửa sổ với đôi mắt buồn với cuộc đời lênh đênh, mà gia đình tôi đang phải cố gắng chèo chống.
            Chiều đã buông và mọi người đã trở về sau một ngày dài làm việc, tôi nghe đâu đó những tiếng cười đùa từ những mái nhà xung quanh. Xa xa, tôi nghe những tiếng leng keng của chén đũa của nhà nào đó đang dùng cơm tối. Chợt nhận ra mình và mẹ cũng chưa có gì lót dạ chiều nay. Tôi liền theo phản xạ cho tay vào túi thì một sự thật phũ phàng rằng trong đó chỉ là hư không.
            Cuối cùng, tôi mang chiếc nhẫn của mình đến tiệm và bán nó. Tối đó, tôi và mẹ cũng vẫn cùng nhau ăn chung một hộp cơm. Khi chuẩn bị đi ngủ, tôi choàng tay ôm mẹ và nói: “Mẹ! Mẹ cầm tiền để mai ăn uống rồi bán hàng nè”. Mẹ tôi ngạc nhiên lắm vì chẳng biết tiền ở đâu ra, nhưng tôi hiểu cảm giác đó của mẹ. Tôi liền trấn an: “Mẹ yên tâm! Tiền con bán chiếc nhẫn đó”.
            Vất vả vẫn còn đó, tôi vẫn sống trong ngôi nhà đó với người mẹ tảo tần khuya sớm với nồi bún bò. Chiếc nhẫn đã làm được điều kỳ diệu đó là mang lại cho mẹ tôi một tia hy vọng trong hành trình dài phía trước của hai mẹ con. Phải mất gần 5 năm sau, anh trai và chị gái của tôi mới ổn định công việc. Gia đình tôi bắt đầu sang trang mới từ đấy.
            Vâng, khi nói về tổ ấm, người ta thường nói về những hạnh phúc, những yêu thương và những thành công. Đằng này tôi lại đi nói về sự đau khổ và vất vả. Tổ ấm với tôi nó không chỉ là gia đình nhưng nó còn là hơi ấm của tình yêu xen lẫn hy sinh. Tổ ấm là một điều rất thiêng liêng với tôi vì nó mang lại cho tôi một con tim biết rung những nhịp đập thổn thức nỗi đau của người gần bên tôi. Tổ ấm vừa là cái nôi dạy tôi làm người nhưng cũng là lớp học vỡ lòng hướng dẫn tôi biết yêu. Tổ ấm trong tôi không chỉ ấm khi êm ả nhưng nó vẫn luôn ấm trong những khi bão giông.
            Hôm nay, khi ngồi viết ra những dòng tâm sự này, tôi đã trở thành một tu sĩ Dòng Tên trẻ với biết bao hoài bão, với ước ao dâng cuộc đời cho những sứ mạng phía trước. Trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống, tôi hiểu rằng tổ ấm là nơi tôi trở về để sống lại những yêu thương ngay cả trong giông tố. Xin cho những ai đang có tổ ấm luôn biết trân quý những gì mình có. Vì yêu thương mới làm nên một tổ ấm thực sự. 
JB Nguyễn Phi Long, S.J.


Monday, January 7, 2019

NHỮNG BÀI HỌC TỪ CHUỖI HẠT MÂN CÔI



NHỮNG BÀI HỌC TỪ CHUỖI HẠT MÂN CÔI

Tôi biết đến tràng chuỗi Mân Côi từ khi mình bước vào độ tuổi trung học. Số là vào năm ấy, giáo xứ ở quê tôi vừa khánh thành một tượng đài kính Đức Mẹ và kể từ đó, một số đông giáo dân trong xứ, trong đó có tôi đã tập trung lại mà dâng lên Mẹ những đóa hoa Mân Côi. Sau này, khi được nhận vào Nhà Tập Dòng Tên, tôi tiếp tục có thời gian cố định mỗi ngày để cầu nguyện bên Mẹ. Với tôi, chuỗi hạt Mân Côi không chỉ là một cách thế cầu nguyện đã có từ rất lâu trong dòng chảy lịch sử của Giáo Hội nhưng tràng chuỗi còn là một cuốn sách để từ đó tôi rút tỉa cho mình những kinh nghiệm thiêng liêng.
            Khi tôi có cơ hội tiếp xúc với những bạn trẻ đang còn đi học và những người bạn học của mình, chuỗi hạt Mân Côi dường như là vật bất ly thân. Lý do đơn giản mà các bạn thích đeo chuỗi ở tay là để Đức Mẹ cầu bầu cho được bình an và kế đến để nhắc nhớ mỗi ngày dâng lên Đức Mẹ chừng 10 đóa hoa lòng.
            Với mỗi người và mỗi hoàn cảnh sống khác nhau, chuỗi hạt Mân Côi mang lại những ơn ích thiêng liêng khác nhau. Sống trong tháng mà Giáo Hội đặc biệt dành để kính Đức Mẹ Mân Côi, tôi cũng xin chia sẻ ra đây một vài điều mà chính mình đã học được qua những năm tháng cầu nguyện với chuỗi hạt đơn sơ nhưng mầu nhiệm ấy.
            Bài học của sự bất ngờ. Với biến cố Nhập Thể làm người, Thiên Chúa đã sai Sứ thần của Ngài truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1,26-38). Đức Mẹ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Mẹ ngỡ ngàng khi Sứ Thần chào Mẹ là Đấng đầy ân sủng (Lc 1,28). Mẹ bàng hoàng khi nghe tin mình sẽ thụ thai Con của Đấng Tối Cao (Lc 1,31-32) khi mà Mẹ chỉ mới đính hôn với Thánh Giu-se. Nhiều bất ngờ khác nữa xảy ra trên suốt hành trình Mẹ bước đi theo chân Chúa Giê-su từ làng Na-za-rét đến ngọn đồi Gôn-gô-tha. Tất cả những bất ngờ, hoang mang, ngỡ ngàng, lạ lẫm trải dài trên cuộc đời Mẹ đều được đáp lại bằng hai tiếng “Xin Vâng” (Fiat). Nơi Mẹ, dường như những bất ngờ, những trái ý lại trở nên một cơ hội để Mẹ sống theo Thánh ý Chúa một cách cụ thể và rõ ràng.
            Bài học của đức khiêm nhượng. Trong ngắm thứ nhất mùa Vui khi Sứ thần truyền tin cho Mẹ với lời nguyện xin cho được sống khiêm nhượng. Thoạt đầu, tôi tự hỏi mình rằng tại sao lại xin sống khiêm nhượng trong ngắm này? Tại sao lại không xin cho được sống niềm vui được Chúa chọn làm việc vĩ đại thì có phải hợp lý hơn không? Vâng, khiêm nhượng trong hoàn cảnh Mẹ sắp trở thành Mẹ của Ngôi Hai. Trong xã hội Do Thái bấy giờ, người phụ nữ được tiên báo là sinh ra Đấng Mê-si-a thì quả là một điều đáng tự hào và hãnh diện. Nhưng Mẹ vẫn là Mẹ sau tiếng thưa xin vâng. Mẹ ở lại và giúp đỡ người chị họ của mình là bà Ê-li-za-bét. Mẹ vẫn là Mẹ, vẫn là người vợ của Thánh Giu-se và Mẹ vẫn cần sự che chở của chồng trong cảnh bụng mang dạ chữa. Gương khiêm nhượng của Mẹ gây ấn tượng trên tâm tình sống đạo của tôi và nay nó ảnh hưởng trên chính cuộc sống ơn gọi của tôi. Cuộc sống ngày nay vẫn còn đó những khó khăn và cám dỗ về tiền tài và danh vọng. Khi chỉ một chút thành công cũng đủ làm tôi tự mãn, một chút danh tiếng cũng khiến tôi kiêu căng và có khi một chút quyền lực trong tay đã hóa tôi ra độc tài đáng ghét. Đức khiêm nhượng nơi Mẹ là những giọt mưa rào trên mãnh đất tâm hồn tôi. Những hạt mưa khiêm nhượng của Mẹ qua lời kinh Mân Côi nhẹ nhàng và nhỏ bé thôi nhưng cũng đủ mạnh để thấm vào sâu trong tâm hồn cằn cỗi của tôi.
            Khí cụ gìn giữ đức khiết tịnh. Chuỗi Mân Côi còn lại một vũ khí lợi hại để tôi chống lại những đam mê của xác thịt. Chúng ta đang sống trong một xã hội tràn ngập những mối nguy hại cho tâm hồn. Từ những chương trình truyền hình thực tế thiếu lành mạnh cho đến những hình ảnh lướt qua trên những trang mạng xã hội. Lối sống hưởng thụ, thỏa mãn giác quan còn len lõi vào những trò chơi tập thể tưởng chừng như vô hại, thậm chí nó còn đi theo ta lên tận giường ngủ qua thế giới của “Smart-phone”. Chuỗi Mân Côi trở nên một chiếc đai lưng cầm giữ tôi trung thành trong con đường mình đã chọn. Chuỗi Mân Côi trở nên khiên mộc chở che tôi trong một thế giới nhiều mầm mống của sự dữ. Chuỗi Mân Côi cũng là cái neo để tôi không trôi dạt đi hết bến này sang bến khác cách vô định. Khi cám dỗ, tôi lần chuỗi. Khi ngồi trên xe buýt đến trường, tôi lâm râm nguyện kinh. Khi phải chạy xe ra đường, tôi thầm cầu nguyện cùng Mẹ với chuỗi Mân Côi cho đến nơi cần đến. Con người vốn dĩ yếu đuối và luôn tìm cách thỏa mãn những nhu cầu của mình. Nhưng tôi vẫn thích sống tâm tình của một vị thánh trẻ trong Dòng Tên mang tên là Stanislav Kostka: “Tôi được sống cho những gì cao quý hơn”. Tôi không chấp nhận để mình chiều theo cám dỗ trong khi trong tay tôi còn một cơ hội quý giá cuối cùng là chuỗi Mân Côi.
            Bài học bất ngờ, khiêm nhượng và khí cụ giữ đức khiết tịnh là ba điều tôi cảm nếm được khi cầu nguyện với chuỗi hạt Mân Côi. Trong tháng Mân Côi này, chắc hẳn nhiều giáo xứ, giáo họ, đoàn nhóm cũng tổ chức những chuỗi Mân Côi sống theo từng nhóm 5 người hay những buổi cầu nguyện với kinh Mân Côi để khuyến khích nhau làm sống động những lời chào tuyệt vời mà Sứ thần Gáp-ri-en đã thưa với Mẹ khi xưa nơi làng quê bé nhỏ. Ước mong sao những tâm tình của tôi đây như giọt nước nhỏ bé rơi vào biển cả hầu mong được hòa điệu cùng muôn giọt nước khác của mọi người qua lời kinh Mân Côi.


JB Nguyễn Phi Long, S.J.

Đợi Người Yêu



Đợi Người Yêu

Mùa Vọng sắp đến! Nhưng có lẽ, rồi nó cũng sẽ qua đi như biết bao Mùa Vọng khác. Vậy, nó cũng đâu khác mấy so với bốn mùa trong năm. Nó cũng như những cơn mưa bất chợt đến rồi lại đi mà chẳng để lại dấu vết gì; nếu có chỉ là một lớp ẩm ướt mỏng rồi lại nhanh chóng bay hơi lên không. Nếu được phép ví Mùa Vọng như cái gì thì tôi xin ví nó như một cuộc theo đuổi tình yêu- một câu truyện tình giữa một chàng trai và một cô gái đang tuổi xuân thì.
            Mùa Vọng là mùa của chờ mong, trông đợi người mình yêu. Khoảng thời gian ấy cho tôi cảm tưởng như đó là một cuộc chinh phục tình yêu của một chàng trai dành cho một cô gái. Cả hai đang tuổi xuân xanh với tình yêu chớm nở đầu đời. Nàng là một cô gái nhỏ nhẹ, hay thèn thùng và ít nói. Vốn dĩ tính của nàng nhẹ nhàng, thanh tao vì thế mà nàng rất thích màu Tím. Còn chàng trai là một gã đa tình và kẻ ấy chính là tôi. Chàng thích nhìn cô này, ngắm cô nọ và trò chuyện với cô kia trong khi lòng lại say đăm một bóng hình khác. Cuộc sống là một chuỗi những bất ngờ. Chàng gặp một bóng hồng trong bộ áo dài thướt tha nơi sân nhà thờ quen thuộc. Nàng có mái tóc thề bồng bềnh như một dải mây dài được ai đó treo lơ lửng trên bầu trời giữa đêm trăng tỏ.
            Tình cờ ngó qua, tình cờ gặp nhưng sao trong tâm trí chàng thấy chẳng tình cờ. Người ta bảo đó là duyên nhưng với chàng lại là nợ. Người ta hỏi lý do tại sao như vậy? Thì chàng chỉ trả lời rằng tại sao lại không! Kể từ lần đầu gặp nàng, chàng trai si tình kia không làm sao có thể thôi nghĩ về hình bóng ấy, đến nỗi tại vì tà áo tím thướt tha ấy mà tâm trí của chàng phút chốc tan đi những bóng hình kiều diễm khác.
Nàng học ở Sài Gòn, còn chàng là dân thôn quê. Nàng biết nhiều điều thú vị của chốn thị thành, còn chàng chỉ biết đến con trâu, cái cày, cái cuốc. Nhưng có điều chàng biết chắc chắn rằng cơ hội dành cho mình chỉ có vỏn vẹn 4 tuần để tỏ lộ tình cảm cùng nàng.
            Biết phải làm sao đây khi ông trời cho chàng một thân xác giới hạn nhưng con tim lại quá nhiều cảm xúc, để rồi khi gặp phải bóng hình ai kia lại khiến lòng chàng rối bời. Chàng làm mọi cách để có cơ hội gặp lại cô gái bên tà áo tím mộng mơ. Chàng “canh me” trước cửa giáo đường. Chàng trồng “cây si” bên hàng dậu nhà nàng. Chàng cũng quên bẵng đi đám bạn thường rủ đi trêu ghẹo những cô nàng hàng xóm. Chàng cũng bỗng quên đi rằng mình thích hút thuốc, uống rượu vơ đấy. Lý do là vì có lần chàng vô tình nghe được cô gái ấy nói chuyện với bạn của nàng rằng cô là chúa ghét kẻ rượu chè, thuốc lá. Thế là chàng bỏ! Bỏ hết! Bỏ luôn lối sống mà chàng đã từng sống vì chàng đang mong ngóng nàng. Chàng bỗng trở nên ngoan đạo hẳn khi cứ sáng sáng lại đi dự lễ chỉ để được nhìn mái tóc đen huyền hoặc của nàng từ phía sau.
            Đâu mất rồi chàng trai thuở nào với biết bao đam mê vụn vặt. Thay vào đó là si tình một hình bóng hình xa xăm. Chàng nhủ thầm: “thôi! ráng vậy vì dù gì cũng có mấy ngày nàng ở quê đâu. Phải cố gắng hết sức biết đâu thần tình yêu đoái nhìn. Nàng đi rồi lại trở về đó mà!”. Và rồi vào một ngày trung tuần tháng 12, nàng tiên áo tím lại diện trên mình bộ áo hồng cánh sen đẹp mê hồn. Nàng đến nói khẽ với chàng rằng: “Anh! Đi ăn chè không?”. Tim chàng như nhảy lên sung sướng bởi trong hàng ngàn lần đi ăn chè của mình thì đây là lần đầu tiên chàng nhận được lời mời của một cô gái. Chàng thấy mình bỗng trở nên có giá trước mặt nàng.
            Chàng biết rằng mình đã được nàng để ý. Chắc rằng khi nàng mời mình gặp mặt thế này thì hẳn là cô ấy không nghĩ mình tệ hại. Lần gặp gỡ đầu tiên ấy khiến chàng mạnh mẽ hơn vì những nỗ lực đã có câu trả lời. Chàng hiểu được rằng một tình yêu thực sự không phải là thứ tình yêu có được nhờ những kỹ thuật hay những lời nói gió bay nhưng phải từ chính tình yêu chân thành mà chàng gởi vào từng điều nho nhỏ. Chàng chờ! Chàng đợi như thể việc làm duy nhất của chàng trên cuộc đời này là chờ đón lấy tình yêu của nàng mà thôi.
            Hạn một tháng cũng trôi qua, nàng lại tiếp tục lên thành phố học để lại nơi chàng một mối tình sâu đậm. Mối tình ấy sâu đến mức khiến chàng không thể ngoi lên để hít lại những gì xấu xa trước kia mà chàng đã rũ bỏ dưới làn nước trong xanh của mối tình đầu trong sáng. Tình yêu ấy đậm đến mức khiến con tim của chàng chỉ trần ngập tình yêu. Nó đậm đến mức người xung quanh chàng đều biết gã này đang yêu và những cô gái khác cũng thừa biết rằng thái độ của chàng lúc này chỉ là của kẻ si tình. Dù có nàng ở bên cạnh hay không, chàng vẫn sống như đang chung chia với nàng một nhịp đập của trái tim yêu đương. Tình yêu làm chàng thành con người mới! Nàng làm trái tim của chàng mới toanh đến nỗi chính chủ nhân của nó cũng không nhận ra được trái tim đó có phải của mình hay không.
            Chuyện tình yêu đẹp lắm và tôi cũng ao ước rằng mình cảm nhận được tình yêu qua Mùa Vọng này. Trong chữ Nôm, Vọng () được cấu tạo từ 3 chữ khác: Vong () là mất đi; Nguyệt () mang nghĩa là trăng và Nhâm () có nghĩa là vùng rộng lớn. Chúng ta có thể hiểu đơn giản là ánh trăng bị mất đi giữa một vùng rộng lớn. Mất trăng khiến người ta phải tìm, phải chờ đợi trong nỗi niềm hy vọng vào sự xuất hiện trở lại của ánh trăng trong sáng và huyền hoặc. Mùa vọng cũng là khoảng thời gian để tôi trong ngóng, chờ đợi trong niềm hy vọng chắc chắn và hân hoan sự xuất hiện của một biến cố lịch sử- biến cố con Thiên Chúa xuống thế làm người.
            Vâng, Mùa Vọng sẽ đến rồi cũng sẽ qua để nhường chỗ cho Mùa Giáng Sinh. Như ý nghĩa bình thường của Mùa Vọng là khoảng thời gian chuẩn bị tâm hồn và mong chờ Chúa đến. Những ngày này đã là những ngày cuối cùng của năm Phụng Vụ và Mùa Vọng sắp bắt đầu. Tôi đã thấy loáng thoáng đâu đó những bóng đèn trang trí nhấp nháy đủ màu, những cây thông đủ loại, những cuộc tập văn nghệ chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Tôi cũng mong ước rằng Mùa Vọng trở thành một cuộc chinh phục tình yêu cho mỗi người. Mùa Vọng tiếp tục trở thành tình yêu cá vị của mỗi người với Chúa Giê-su. Từng người chinh phục tình yêu của Thiên Chúa bằng những nỗ lực của bản thân để sửa mình, dọn dẹp căn nhà tâm hồn mình để xứng đáng tiếp rước Chúa. Rồi sẽ đến một lúc nào đó, dù tôi có đi qua những hạnh phúc tuyệt nhất trần đời hay phải chìm sâu trong vũng sâu tăm tối của đau khổ thì tình yêu tôi dành cho Chúa và tình yêu Chúa dành cho tôi vẫn vẹn nghĩa trọn tình dù trước đó tôi đã vô tình chạy theo nhiều thú vui của đời.

JB Nguyễn Phi Long, S.J.  

Facebook- Làm theo Đức Tin mách bảo





Trên Internet những ngày vừa qua, một cơn bão mạng đã xảy ra với sức lan rộng vô cùng nhanh của các cư dân thời @. Cơn bão chính thức được hình thành và phát triển vào ngày 11/10/2018 từ một phát ngôn trên trang cá nhân Facebook của một ca sĩ nổi tiếng.[1] Bên cạnh đó, một cơn bão khác với những cơn cuồng nộ và giận dữ đổ dồn về phía một nữ sinh năm 4 đã vứt bỏ con mình sau khi vượt cạn vào ngày 18/10/2018 lại làm cho mạng xã hội xôn xao.[2]
Điều gì đã xảy ra sau phát ngôn của Mỹ Linh và sự kiện cô nữ sinh năm 4 ném con
            Không cần phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu, sự việc được bắt đầu từ một chia sẻ ý kiến cá nhân về nhà hát 1.500 tỷ trên trang mạng Facebook, ca sĩ Mỹ Linh đã bị cộng đồng mạng chỉ trích “ném đá” một cách sôi nổi. Với bài đăng có hình ảnh gốc nguyên văn chia sẻ của cô ca sỹ đã có tới 10.896 lượt chia sẻ chỉ trong 2 ngày. Những cụm từ “bà này”, “cái thứ này…thứ nọ…” xuất hiện trong từng bình luận mà dân mạng không tiếc dùng để chỉ cô ca sỹ. Chưa dừng lại ở đó, cư dân mạng kêu gọi nhau tẩy chay tất cả những sản phẩm có hình ảnh và có sự tham gia của ca sỹ Mỹ Linh. Con số chia sẻ, bình luận trên những cuộc kêu gọi này tính lên số hàng ngàn lượt. Kết quả là hãng gốm sứ Minh Long gỡ hình đại diện của cô ca sỹ ra khỏi sản phẩm[3], đời tư của cô bị đem ra bàn tán sôi nổi hơn bao giờ hết.
            Cô nữ sinh năm 4 của một trường đại học ở Hà Nội đã ném đứa con vừa được sinh ra xuống đất từ tầng 31. Ngày 18/10 là ngày xảy ra sự kiện, cô nữ sinh ấy cũng đã bị cộng đồng mạng tìm tới tận địa chỉ riêng, lục lọi cả đến trang cá nhân và đời tư bị bới lên một cách không thương tiếc. Cô mặc nhiên bị xem là kẻ sát nhân, không có nhân tính và nhiều biệt danh khác mà người ta đặt cho cô.
            Chúng ta có thể thấy rằng 2 nhân vật trên đã trở thành nạn nhân của sự chỉ trích, ném đá trên không gian mạng. Không chỉ dừng lại ở thế giới ảo mà những hệ quả nó gây ra đã tác động sâu sắc đến đời sống thực của người đó.  
Thấy gì qua tâm lý của đám đông
            Dường như trong 2 “cuộc bão mạng” này đều có một điểm chung của một đám đông giận dữ. Qua đó, tôi nhớ lại bảy bước căm ghét nơi đám đông của John R.Schafer và Joe Navarro.[4]
Bước 1: Những người căm ghét hay phẫn nộ tụ tập lại với nhau.
Bước 2: Họ tạo lập một bản sắc riêng. Người ta cùng nhau kêu gọi tẩy chay các sản phẩm và các chương trình dính líu đến đối tượng.
Bước 3: Họ giễu cợt, phỉ báng đối tượng và củng cố hình ảnh bản thân. Thường dùng lời lẻ và những hình ảnh để lấy đối tượng làm trò cười.
Bước 4: Sự lăng nhục và thóa mạ đối tượng được nâng lên một bậc.
Bước 5: Họ tấn không nhưng không dùng vũ khí. Có thể bằng cách khủng bố tinh thần, đe dọa…
Bước 6: Tấn công bằng vũ khí. Không ít trường hợp tìm đến nhà để đánh và khủng bố đối tượng bằng việc hành hung.
Bước 7: Đối tượng căm ghét bị phá hủy.
            Một điều mà chúng ta dễ dàng nhận ra trong các phản ứng của đám đông đó chính là sự thái quá và thiếu đi tính lập luận. Tính thái quá của đám đống có thể ở cực yêu mến hết tình, ủng hộ hết mức rồi lại đột ngột chuyển nhanh đến ghét cay ghét đắng, đay nghiến cực độ. Và vì mọi người trong đám đông, ẩn danh và càng đông càng an toàn. Chính vì thế mà thái độ trách nhiệm và tư duy cá nhân của một người trong đám đông lại trở nên tê liệt.[5]
Không những thế, cách lập luận của đám đông thường là cách lập luận khái quát hóa hời hợt, nhanh chóng dựa vào các đối tượng và sự kiện bên ngoài có vẻ giống nhau.[6] Chúng ta có thể cho rằng cô sinh viên năm 4 là kẻ sát nhân, mất nhân tính vì có những sự kiện như giết người, mẹ đi giết con, ném con ra cửa, áo dính máu…dường như có nhiều tình tiết như các vụ giết người khác.
Trí tưởng tượng của đám đông cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Vì trong hoàn cảnh cụ thể và đang chịu sự kích thích của đám đông thì việc tư duy lô-gích của từng cá nhân hoạt động kém hiệu quả.[7] Đơn cử như trong trường hợp cô nữ sinh năm 4 ném con mình qua cửa sổ, người ta chẳng cần biết trước đó hoàn cảnh của cô như thế nào, trong lúc mang thai ra sao và hoàn cảnh của cô lúc sinh xảy ra thế nào. Chính lúc đó, trí tưởng tượng của cá nhân trong đám đông được kích hoạt bằng việc xâu chuỗi các sự kiện; cô nữ sinh năm 4 mới có 21 tuổi, cô vẫn sinh hoạt với 2 bạn trai trong lúc mang thai, cô sinh con xong rồi ném đi, áo còn dính máu khi bị bắt… và kết luận rằng cô không còn là “người phàm”
Bác ái Ki-tô giáo qua từng con chữ trên không gian mạng
             “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” (Lc 23: 34).
            Mạnh Tử đã nhìn thấy trong tận thâm tâm con người luôn có một cái tâm hướng thiện và nó được nuôi dưỡng để trở nên hoàn hảo hơn[1]. Còn theo Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI đã nói trong bài huấn dụ các thành viên hiệp hội Caritas năm 2011 rằng: “Các Kitô Hữu, chính Thiên Chúa là nguồn gốc tình bác ái, và bác ái được hiểu không chỉ đơn thuần là lòng tốt theo nghĩa chung chung, nhưng là sự trao ban chính mình, cả tới mức độ hy sinh mạng sống mình vì người khác, theo gương của Chúa Giêsu Kitô.”
            Tôi cũng như bạn đều có quyền chia sẻ những cảm xúc và có quyền tỏ thái độ của mình trước những bất công, những tội ác trong xã hội. Điều quan trọng là chúng ta thực hiện nó như thế nào vì ngoài là một cá nhân trong xã hội, tôi và bạn còn có trong mình thân phận là con Thiên Chúa. Những lời bình luận thiếu thẩm mỹ hay những ngôn từ sặc mùi gây chiến có lẽ cần được suy xét thật kỹ trước khi nó được dùng. Nói đến đây quả thật rất khó để nói được như trong Kinh Thánh: “Điều răn đứng đầu là, Nghe đây: hỡi Israel, Đức Chúa Thiên Chúa của chúng ta, là Thiên Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mên Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào trọng hơn các điều răn đó.” (Mc 12: 29-31; Mt 22: 34-40)
            Dẫu biết rằng không gian mạng là một thế giới ảo nhưng nó cũng mang đến biết bao hậu quả thật cho những đối tượng bị gièm pha và công kích trên đó. Chúng ta có thể bình luận một cách thoải mái mà thiếu đi sự suy xét hậu quả để lại cho đối tượng hứng chịu sự sỉ nhục của chúng ta sẽ khiến cho chúng ta trở nên những Ki-tô hữu giả hình và để Chúa lại nhà thờ như Đức Phanxicô đã nhắc đến trong bài giảng người ngài.[2]
Thường người ta sẽ bước đi vững hơn sau khi đã đặt một chân thật chắc. Chúa trao ban cho chúng ta một trái tim biết yêu thương và chúng ta có trách nhiệm nuôi dưỡng tình yêu thương đó được lớn lên dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Thánh Phanxicô Assisi cũng đã cầu nguyện trong lời Kinh Hòa Bình là được “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an bình vào nơi tranh chấp…”
            Tôi thiết nghĩ rằng điều chúng ta cần lúc này là nuôi dưỡng trong tâm hồn mình một tình bác ái Ki-tô giáo đích thực. Một tình bác ái mang tính đại đồng, quảng đại và vị tha. Chúng ta luôn bày tỏ lòng mưu cầu hạnh phúc cho người khác và đồng thời trở nên một tiếng nói chống lại bất công, tội ác. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm xã hội và đời sống của chúng ta tốt đẹp hơn bằng những cơn giận dữ và nguồn cảm xúc đến từ đám đông được. Chúng ta không thể mang người khác đến được với Chúa nếu lòng căm phẫn của chúng ta khao khát loại trừ. Vâng, mang Chúa vào trong từng câu chữ thật khó! Nó khó vì tỏ bày lòng tha thứ, yêu thương khi đứng trước bất công, đau khổ trong thân phận yếu đuối của chúng ta. Hiếm ai có thể thản nhiên nói rằng đau khổ là “bình thường”. Tuy vậy, cách thức mà chúng ta đối diện với bất công, cách chúng ta giải quyết những điều xem chừng ra xấu xa ấy mà chúng ta phải gặp hằng ngày sẽ cho chúng ta biết “Tôi gần Chúa đến mức nào?”

JB. Nguyễn Phi Long, S.J.




[1] Arrington, Robert L. "The World's Great Philosophers" Mencius (Blackwell), 2003: 211-216.















Bibliography
Arrington, Robert L. "The World's Great Philosophers." Mencius (Blackwell), 2003: 211-216.
John R.Schafer; Joe Navarro, “Senven-stage hate model”, FBI Law Enforcement Bulletin, Volume:72, Issue: 3. 3/2003.
https://vietnammoi.vn/phat-ngon-ung-ho-viec-xay-nha-hat-nghin-ti-o-tp-hcm-ca-si-my-linh-bi-cong-dong-mang-nem-da-gay-gat-150543.html
https://news.zing.vn/phat-hien-thi-the-tre-so-sinh-giua-san-chung-cu-o-ha-noi-post885558.html
https://baomoi.com/gom-su-minh-long-da-go-hinh-anh-diva-my-linh-lam-dai-dien-thuong-hieu/c/28187464.epi
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2018-10/santamarta-051018-khoncho-cackitohuu-giahinh-ho-de-chua-o-lai.html




CHÚA CHẾT RỒI


CHÚA CHẾT RỒI


            Tôi đã kết hôn được 4 năm và vợ tôi cũng thuộc vào nhóm sắc nước hương trời vào thời điểm mới gặp nhau. Nếu cuộc sống là một cỗ máy thời gian thì có lẽ tôi chẳng có nhiều thời giờ để ngồi mà viết ra những dòng tâm sự này. Còn nếu như cuộc sống là một cuốn tiểu thuyết thì chuyện gia đình tôi quả là một trích đoạn bi kịch trong một chuỗi bi thương từ lời mở đầu cho đến dấu chấm cuối cùng của phần mục lục. Với tôi lúc này thì Chúa đã chết mất rồi.
            Vợ tôi năm nay được 25 tuổi và kém tôi 1 tuổi. Ông bà bảo là “gái hơn 2, trai hơn 1” lấy nhau về gia đình sẽ êm ấm. Trường hợp của tôi dường như đi ra ngoài cái quy luật của ông bà khuyên. Chúng tôi tình cờ gặp nhau tại một quán ăn vặt trên đường Lê Văn Sỹ chốn phồn hoa Sài Thành. Vì tranh nhau ai sẽ dùng chai tương ớt trước mà chúng tôi trúng mũi tên tình yêu của vị thần tình ái. Quen nhau được 2 năm, chúng tôi quyết định tiến tới hôn nhân khi cả hai đều có công ăn việc làm ổn định.
            Nào có ai được sở hữu một cuộc sống chỉ toàn màu hồng đâu! Năm đầu tiên của chúng tôi rất hạnh phúc. Như bao cặp đôi khác, chúng tôi dành cho nhau những tình cảm nồng ấm nhất, tốt đẹp nhất như thời còn yêu nhau. Thế rồi sóng gió bắt đầu nổi lên như một cơn ác mộng. Tôi làm nghề điện lạnh cho một công ty tư nhân ở Sài Gòn, còn vợ tôi làm giáo viên của một trường tiểu học. Giữa một nơi đất chật người đông và với khoản lương ba cọc ba đồng như vợ chồng tôi thì phải tằn tiện lắm mới có thể trang trải đủ cho các khoản trong một tháng. Bắt đầu cơm, áo, gạo, tiền xen giữa trái tim của chúng tôi như một lực cản vô hình làm cho những cuộc trò chuyện của hai vợ chồng bắt đầu xoay quanh chủ đề tiền nong. Có khi vợ chồng chúng tôi đùn đẩy trách nhiệm gia đình cho nhau và cho rằng chính mình là người đang phải vác thập giá của người kia trao. Có khi 2 vợ chồng cãi nhau chỉ vì những chuyện vụn vặt. Không phải chúng tôi hết yêu nhau, nhưng vì trái tim chúng tôi dường như bị nhưng cơn sóng cuộc đời xô đẩy khiến cho nhịp tim của 2 đứa có khi lệch nhịp.
            2 năm sau ngày cưới, bình yên cũng trở lại với việc vợ tôi sinh em bé. Tôi được lên chức bố và tôi đặt tên cho đứa con đầu lòng của mình là Nguyễn Bình An. Tôi ước mong cuộc sống của gia đình mình khi có con sẽ êm ấm và bình an hơn. Nào ngờ, khi con tôi được 1 tháng 3 tuần tuổi, bác sĩ kết luận rằng con tôi bị suy hô hấp và tiểu đường sơ sinh. Tôi tự hỏi chuyện gì đang xảy ra cho cuộc đời của mình vậy. Tôi mới cưới vợ và mới được làm cha mà? Tại sao Chúa lại để cho những điều tồi tệ như vậy xảy ra cho tôi? Vợ chồng tôi chịu cực trong cuộc mưu sinh chưa đủ hay sao mà nay lại bắt chúng tôi hứng chịu thêm cảnh ly tán này nữa? Rồi tôi bắt đầu tập hút thuốc lá. Tôi thường lén vợ lên sân thường ngồi hút thuốc một mình. Bật lửa! kéo một hơi rồi thả làn khói trắng lên không trung khiến lòng tôi những tưởng rằng mọi khổ đau của mình đang tan dần vào mây khói. Tâm trạng tôi những lúc ấy dường như đang rơi vào bế tắc. Khói thuốc lá cứ từng đợt tỏa lên không như lòng thôi muốn trút đi nỗi khổ tâm. Tôi hiểu rằng chữ khổ luôn luôn có dấu hỏi trong đó. Tôi thấy đời bất công vì tôi khổ không biết lý do vì sao.
            Tiếng la thất thanh của vợ tôi vào giữa đêm khiến tôi choàng tỉnh giấc. Tôi lồm cồm dậy mở điện thoại xem thì mới có 3 giờ sáng. Quay sang vợ, tôi thấy mắt cô ấy đã ướt nhòe. Dường như hiểu chuyện, tôi nhìn xuống đứa con bé bỏng của mình đang thoi thóp từng nhịp yếu ớt. Ngay lập tức, tôi đưa Bình An của mình vào bệnh viện. Sau 3 tiếng cấp cứu, bác sĩ đã báo cho tôi rằng “anh vào ở với cháu nó nhé! Tôi e rằng cháu khó qua khỏi”. Chẳng cần nghe thêm gì nữa, tôi chạy thẳng vào giường của con để nhìn con tôi đang lịm dần trong từng hơi thở. Bao quanh con tôi là hàng tá dây, ống các loại, chằng chịt và lạnh toát. Quang cảnh đó đóng băng tâm hồn tôi.
            Tôi và vợ ngắm nhìn Bình An như con chỉ đang ngủ mà thôi, tôi áp tai mình vào ngực của con. Trái tim bé bỏng ấy đang đập từng nhịp một cách yếu ớt. Từng tiếng một, nhẹ nhàng thôi nhưng sao hồn tôi vỡ vụn từng mảnh một. Và trên màn hình hiển thị nhịp tim của Bình An dần dần trả về số 0. Tôi hét tên con tôi, tôi kêu gào như kẻ điên trong phòng cấp cứu. Tôi như thể một đứa bé đã làm vuột mất cánh diều ước mơ của mình mà giờ chỉ còn một điều phải làm là nhìn cánh diều ấy bay đi trong sự bất lực của bản thân. Chúa ở đâu rồi? Tại sao đến tận cùng đau khổ này rồi mà Ngài vẫn nín lặng vậy? Tôi oán trách Chúa? Tôi căm hận một Thiên Chúa lặng thinh trước đau khổ của mình? Và tôi chắc chắn với lòng mình rằng Chúa đã chết thật rồi.
            Sau khi con tôi rời khỏi vòng tay của vợ chồng tôi, mái ấm ngày nào giờ trở nên lạnh lẽo và cô quạnh biết chừng nào. Cả tôi và vợ cũng ít nói chuyện với nhau. Chỉ gặp nhau vào mỗi bữa cơm tối khi cả hai đi làm về mà sự kiện duy nhất trong ngày này chỉ diễn ra trong tẻ nhạt và im lặng.
            Cuộc sống vẫn tiếp diễn như điều vốn dĩ của nó phải làm. Nỗi đau của vợ chồng tôi được chữa lành nhưng riêng nỗi oán hận một Thiên Chúa lặng thinh, vô cảm thì không bao giờ phai. Tôi để lòng mình chìm trong cơn căm tức ấy một thời gian dài.
            Một lần kia tôi và vợ có dịp đi thăm mộ con trai mình. Tôi đi đằng trước rồi vợ tôi đi phía sau. Đứng trước mộ của con, tôi đã thấy những mảng cỏ xanh bao quanh những khối bê tông lạnh tanh và trên đó, tôi đã thấy dòng chữ “Con mãi trong lòng Cha”. Sau khi đi thăm mộ, tôi vào nhà nhờ cùng vợ như mọi khi vẫn làm. Ngồi trước Chúa mà dường như lòng tôi thấy chai cứng. Làm gì có một Thiên Chúa nào lắng nghe lời cầu nguyện của tôi đâu! Ngồi đây chỉ phí thời gian. Vì vợ tôi đang cầu nguyện nên tôi cũng ngồi theo chứ còn tâm trí đâu mà nguyện với cầu. Trong không gian yên tĩnh nơi giáo đường, tôi nhìn ngắm một vòng và bị thu hút bởi một bức tranh vẽ Đức Maria đang ôm Chúa Giê-su khi vừa mới hạ xác Ngài xuống khỏi Thập Giá. Vậy, Đức Mẹ có đau lòng như tôi khi mất con không? Đức Mẹ có oán hận Thiên Chúa mà Mẹ tin giống tôi lúc này không? Lúc đó, trong lòng tôi lại vang vọng lên câu “con mãi trong lòng Cha” đã được khác trên mộ con mình để hiểu ra rằng Chúa đã có mặt lúc con tôi lịm đi. Bất giác tôi hiểu một điều rằng Chúa chưa chết. Quả thực, Chúa chưa chết trong cuộc đời tôi. Điều này gợi nhớ cho tôi tất cả những gì xảy đến trong hành trình hôn nhân của mình và trong từng biến cố nhỏ, lớn đều có bóng dáng của một Giê-su với những dấu đinh.
            Chúa không chết, Chúa vẫn lắng nghe từng nỗi khổ đau của vợ chồng tôi một cách chăm chú. Thiên Chúa không hề vắng bóng trong những lúc tôi gần như rơi vào trong tuyệt vọng. Thiên Chúa vẫn không hề nín lặng trong những cuộc cự cãi nảy lửa giữa tôi và vợ. Ngài vẫn hằng ở bên tôi với đôi bàn tay và chân thủng lỗ vì đinh thâu. Tôi ngộ ra được điều vắng bóng trong cuộc sống của vợ chồng tôi là lòng vị tha và nghĩ đến người khác chứ không phải Chúa. Tôi không thể nghe được lời an ủi êm dịu của Chúa vì lòng tôi đã tràn ngập âm thanh kêu trách và cái tôi chỉ nghĩ cho mình. Điều đã chết trong những khoảnh khác đau thương ấy là chính tôi chứ không phải là Chúa vô cảm. Có lẽ, tôi chỉ nghĩ cho mình và đã quá chú tâm đến nỗi đau của chính tôi hơn mọi thứ khác để rồi quên rằng có một Đấng đang lắng nghe tôi và đã chết cho chính tôi.
            Ngồi trong nhà thờ, tôi bỗng thấy lòng mình nhẹ nhõm khi nhìn lên Thánh Giá Chúa với những dấu đinh và cạnh sườn bị đâm thâu qua của Ngài. Gia đình của vợ chồng chúng tôi có lẽ gặp nhiều khó khăn và đau thương nhưng không vì thế mà chúng tôi có thể oán trách Chúa vì Ngài đã yêu chúng tôi trước và đã chết trên Thánh Giá vì chúng tôi nữa cơ mà.
Tôi chợt nhìn lên cung thánh với lòng thanh thản chưa từng nhận được ở đâu trước đó để rồi đưa mắt nhìn về biểu tưởng có một cánh tay với dấu đinh đang nâng đỡ 2 con người vươn lên Thánh Giá nằm giữa trái tim để cảm nhận rõ hơn tình yêu Chúa dành cho tôi và vợ mình thông qua Giáo Hội vẫn luôn đồng hành với những gia đình trẻ đang gặp khó khăn trong năm 2019 này. Bước ra khỏi nhà thờ, tôi cố tình chờ vợ tôi đi lên để nắm tay cô ấy như xưa và đoạn đường từ nhà thờ về mái ấm gia đình trở nên gần gũi biết bao. Đôi bàn tay của chúng tôi ấm lại sau gần 1 năm vắng lạnh vì đôi bàn tay ấy lạc mất nhau trong những sóng gió của cuộc đời. Tạ ơn Chúa vì luôn đồng hành trên từng quảng đường đời tôi đi.

JB Nguyễn Phi Long, S.J.