CHÚA CHẾT RỒI
Tôi đã kết hôn được 4 năm và vợ tôi cũng
thuộc vào nhóm sắc nước hương trời vào thời điểm mới gặp nhau. Nếu cuộc sống là
một cỗ máy thời gian thì có lẽ tôi chẳng có nhiều thời giờ để ngồi mà viết ra
những dòng tâm sự này. Còn nếu như cuộc sống là một cuốn tiểu thuyết thì chuyện
gia đình tôi quả là một trích đoạn bi kịch trong một chuỗi bi thương từ lời mở
đầu cho đến dấu chấm cuối cùng của phần mục lục. Với tôi lúc này thì Chúa đã chết
mất rồi.
Vợ tôi năm nay được 25 tuổi và kém
tôi 1 tuổi. Ông bà bảo là “gái hơn 2, trai hơn 1” lấy nhau về gia đình sẽ êm ấm.
Trường hợp của tôi dường như đi ra ngoài cái quy luật của ông bà khuyên. Chúng
tôi tình cờ gặp nhau tại một quán ăn vặt trên đường Lê Văn Sỹ chốn phồn hoa Sài
Thành. Vì tranh nhau ai sẽ dùng chai tương ớt trước mà chúng tôi trúng mũi tên
tình yêu của vị thần tình ái. Quen nhau được 2 năm, chúng tôi quyết định tiến tới
hôn nhân khi cả hai đều có công ăn việc làm ổn định.
Nào có ai được sở hữu một cuộc sống chỉ
toàn màu hồng đâu! Năm đầu tiên của chúng tôi rất hạnh phúc. Như bao cặp đôi
khác, chúng tôi dành cho nhau những tình cảm nồng ấm nhất, tốt đẹp nhất như thời
còn yêu nhau. Thế rồi sóng gió bắt đầu nổi lên như một cơn ác mộng. Tôi làm nghề
điện lạnh cho một công ty tư nhân ở Sài Gòn, còn vợ tôi làm giáo viên của một
trường tiểu học. Giữa một nơi đất chật người đông và với khoản lương ba cọc ba
đồng như vợ chồng tôi thì phải tằn tiện lắm mới có thể trang trải đủ cho các
khoản trong một tháng. Bắt đầu cơm, áo, gạo, tiền xen giữa trái tim của chúng
tôi như một lực cản vô hình làm cho những cuộc trò chuyện của hai vợ chồng bắt
đầu xoay quanh chủ đề tiền nong. Có khi vợ chồng chúng tôi đùn đẩy trách nhiệm
gia đình cho nhau và cho rằng chính mình là người đang phải vác thập giá của
người kia trao. Có khi 2 vợ chồng cãi nhau chỉ vì những chuyện vụn vặt. Không
phải chúng tôi hết yêu nhau, nhưng vì trái tim chúng tôi dường như bị nhưng cơn
sóng cuộc đời xô đẩy khiến cho nhịp tim của 2 đứa có khi lệch nhịp.
2 năm sau ngày cưới, bình yên cũng
trở lại với việc vợ tôi sinh em bé. Tôi được lên chức bố và tôi đặt tên cho đứa
con đầu lòng của mình là Nguyễn Bình An. Tôi ước mong cuộc sống của gia đình
mình khi có con sẽ êm ấm và bình an hơn. Nào ngờ, khi con tôi được 1 tháng 3 tuần
tuổi, bác sĩ kết luận rằng con tôi bị suy hô hấp và tiểu đường sơ sinh. Tôi tự
hỏi chuyện gì đang xảy ra cho cuộc đời của mình vậy. Tôi mới cưới vợ và mới được
làm cha mà? Tại sao Chúa lại để cho những điều tồi tệ như vậy xảy ra cho tôi? Vợ
chồng tôi chịu cực trong cuộc mưu sinh chưa đủ hay sao mà nay lại bắt chúng tôi
hứng chịu thêm cảnh ly tán này nữa? Rồi tôi bắt đầu tập hút thuốc lá. Tôi thường
lén vợ lên sân thường ngồi hút thuốc một mình. Bật lửa! kéo một hơi rồi thả làn
khói trắng lên không trung khiến lòng tôi những tưởng rằng mọi khổ đau của mình
đang tan dần vào mây khói. Tâm trạng tôi những lúc ấy dường như đang rơi vào bế
tắc. Khói thuốc lá cứ từng đợt tỏa lên không như lòng thôi muốn trút đi nỗi khổ
tâm. Tôi hiểu rằng chữ khổ luôn luôn có dấu hỏi trong đó. Tôi thấy đời bất công
vì tôi khổ không biết lý do vì sao.
Tiếng la thất thanh của vợ tôi vào
giữa đêm khiến tôi choàng tỉnh giấc. Tôi lồm cồm dậy mở điện thoại xem thì mới
có 3 giờ sáng. Quay sang vợ, tôi thấy mắt cô ấy đã ướt nhòe. Dường như hiểu
chuyện, tôi nhìn xuống đứa con bé bỏng của mình đang thoi thóp từng nhịp yếu ớt.
Ngay lập tức, tôi đưa Bình An của mình vào bệnh viện. Sau 3 tiếng cấp cứu, bác
sĩ đã báo cho tôi rằng “anh vào ở với cháu nó nhé! Tôi e rằng cháu khó qua khỏi”.
Chẳng cần nghe thêm gì nữa, tôi chạy thẳng vào giường của con để nhìn con tôi
đang lịm dần trong từng hơi thở. Bao quanh con tôi là hàng tá dây, ống các loại,
chằng chịt và lạnh toát. Quang cảnh đó đóng băng tâm hồn tôi.
Tôi và vợ ngắm nhìn Bình An như con chỉ
đang ngủ mà thôi, tôi áp tai mình vào ngực của con. Trái tim bé bỏng ấy đang đập
từng nhịp một cách yếu ớt. Từng tiếng một, nhẹ nhàng thôi nhưng sao hồn tôi vỡ
vụn từng mảnh một. Và trên màn hình hiển thị nhịp tim của Bình An dần dần trả về
số 0. Tôi hét tên con tôi, tôi kêu gào như kẻ điên trong phòng cấp cứu. Tôi như
thể một đứa bé đã làm vuột mất cánh diều ước mơ của mình mà giờ chỉ còn một điều
phải làm là nhìn cánh diều ấy bay đi trong sự bất lực của bản thân. Chúa ở đâu
rồi? Tại sao đến tận cùng đau khổ này rồi mà Ngài vẫn nín lặng vậy? Tôi oán
trách Chúa? Tôi căm hận một Thiên Chúa lặng thinh trước đau khổ của mình? Và
tôi chắc chắn với lòng mình rằng Chúa đã chết thật rồi.
Sau khi con tôi rời khỏi vòng tay của
vợ chồng tôi, mái ấm ngày nào giờ trở nên lạnh lẽo và cô quạnh biết chừng nào.
Cả tôi và vợ cũng ít nói chuyện với nhau. Chỉ gặp nhau vào mỗi bữa cơm tối khi
cả hai đi làm về mà sự kiện duy nhất trong ngày này chỉ diễn ra trong tẻ nhạt
và im lặng.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn như điều vốn
dĩ của nó phải làm. Nỗi đau của vợ chồng tôi được chữa lành nhưng riêng nỗi oán
hận một Thiên Chúa lặng thinh, vô cảm thì không bao giờ phai. Tôi để lòng mình
chìm trong cơn căm tức ấy một thời gian dài.
Một lần kia tôi và vợ có dịp đi thăm
mộ con trai mình. Tôi đi đằng trước rồi vợ tôi đi phía sau. Đứng trước mộ của
con, tôi đã thấy những mảng cỏ xanh bao quanh những khối bê tông lạnh tanh và
trên đó, tôi đã thấy dòng chữ “Con mãi trong lòng Cha”. Sau khi đi thăm mộ, tôi
vào nhà nhờ cùng vợ như mọi khi vẫn làm. Ngồi trước Chúa mà dường như lòng tôi
thấy chai cứng. Làm gì có một Thiên Chúa nào lắng nghe lời cầu nguyện của tôi
đâu! Ngồi đây chỉ phí thời gian. Vì vợ tôi đang cầu nguyện nên tôi cũng ngồi
theo chứ còn tâm trí đâu mà nguyện với cầu. Trong không gian yên tĩnh nơi giáo
đường, tôi nhìn ngắm một vòng và bị thu hút bởi một bức tranh vẽ Đức Maria đang
ôm Chúa Giê-su khi vừa mới hạ xác Ngài xuống khỏi Thập Giá. Vậy, Đức Mẹ có đau
lòng như tôi khi mất con không? Đức Mẹ có oán hận Thiên Chúa mà Mẹ tin giống
tôi lúc này không? Lúc đó, trong lòng tôi lại vang vọng lên câu “con mãi trong
lòng Cha” đã được khác trên mộ con mình để hiểu ra rằng Chúa đã có mặt lúc con
tôi lịm đi. Bất giác tôi hiểu một điều rằng Chúa chưa chết. Quả thực, Chúa chưa
chết trong cuộc đời tôi. Điều này gợi nhớ cho tôi tất cả những gì xảy đến trong
hành trình hôn nhân của mình và trong từng biến cố nhỏ, lớn đều có bóng dáng của
một Giê-su với những dấu đinh.
Chúa không chết, Chúa vẫn lắng nghe
từng nỗi khổ đau của vợ chồng tôi một cách chăm chú. Thiên Chúa không hề vắng
bóng trong những lúc tôi gần như rơi vào trong tuyệt vọng. Thiên Chúa vẫn không
hề nín lặng trong những cuộc cự cãi nảy lửa giữa tôi và vợ. Ngài vẫn hằng ở bên
tôi với đôi bàn tay và chân thủng lỗ vì đinh thâu. Tôi ngộ ra được điều vắng
bóng trong cuộc sống của vợ chồng tôi là lòng vị tha và nghĩ đến người khác chứ
không phải Chúa. Tôi không thể nghe được lời an ủi êm dịu của Chúa vì lòng tôi
đã tràn ngập âm thanh kêu trách và cái tôi chỉ nghĩ cho mình. Điều đã chết
trong những khoảnh khác đau thương ấy là chính tôi chứ không phải là Chúa vô cảm.
Có lẽ, tôi chỉ nghĩ cho mình và đã quá chú tâm đến nỗi đau của chính tôi hơn mọi
thứ khác để rồi quên rằng có một Đấng đang lắng nghe tôi và đã chết cho chính
tôi.
Ngồi trong nhà thờ, tôi bỗng thấy
lòng mình nhẹ nhõm khi nhìn lên Thánh Giá Chúa với những dấu đinh và cạnh sườn
bị đâm thâu qua của Ngài. Gia đình của vợ chồng chúng tôi có lẽ gặp nhiều khó
khăn và đau thương nhưng không vì thế mà chúng tôi có thể oán trách Chúa vì
Ngài đã yêu chúng tôi trước và đã chết trên Thánh Giá vì chúng tôi nữa cơ mà.
Tôi chợt nhìn lên cung thánh với lòng thanh thản chưa từng nhận
được ở đâu trước đó để rồi đưa mắt nhìn về biểu tưởng có một cánh tay với dấu
đinh đang nâng đỡ 2 con người vươn lên Thánh Giá nằm giữa trái tim để cảm nhận
rõ hơn tình yêu Chúa dành cho tôi và vợ mình thông qua Giáo Hội vẫn luôn đồng
hành với những gia đình trẻ đang gặp khó khăn trong năm 2019 này. Bước ra khỏi
nhà thờ, tôi cố tình chờ vợ tôi đi lên để nắm tay cô ấy như xưa và đoạn đường từ
nhà thờ về mái ấm gia đình trở nên gần gũi biết bao. Đôi bàn tay của chúng tôi ấm
lại sau gần 1 năm vắng lạnh vì đôi bàn tay ấy lạc mất nhau trong những sóng gió
của cuộc đời. Tạ ơn Chúa vì luôn đồng hành trên từng quảng đường đời tôi đi.
JB Nguyễn Phi Long, S.J.
No comments:
Post a Comment