Friday, September 7, 2018

Chúa Nhật XXIII Thường Niên- Năm B

Tin Mừng Đức Giê-su Ki-Tô theo Thánh Mác-cô

1 Hôm ấy, Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được." 

Đọc chậm rãi Tin Mừng 3 lần sau đó thinh lặng khoảng 1 phút và làm theo các bước dưới đây

Kinh dọn lòng: đọc thầm trong lòng 3 lần: "Lạy Chúa! xin cho lời nói, việc làm và mọi hoạt động của con trong giờ phút này đều quy hướng vào việc phụng sự Chúa mà thôi"

Khung cảnh: bạn hình dung một khung cảnh đông đúc, ồn ào, có thể ngửi thấy mùi của cái cháy nắng và mùi mồ hôi của một đám đông hỗn độn. Nơi đó, Đức Giê-su đang lặng lẽ bên một người vừa điếc vừa ngọng để chữa cho anh. 

Ơn xin: Xin Chúa cho con biết được những rào cản trong con khiến mình không sống tốt cho người khác (xin đọc đi đọc lại để giục lòng xin ơn này)

Cầu nguyện: bạn có thể chọn 1 trong 2 điểm sau đây 

1. "Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh" 

Điếc là một khuyết tật do nhiều nguyên nhân gây ra; nó dẫn đến tình trạng không thể nghe được những âm thanh xung quanh. 
Ngọng cũng là một dạng khuyết tật về ngôn ngữ (khiếm âm); nó làm cho người ta không thể truyền đạt rõ ràng thông tin mà mình muốn biểu đạt. 
Một người vừa điếc vừa ngọng là một người không thể thu nạp âm thanh, tiếng nói từ bên ngoài bằng cách nghe và người đó cũng không thể phát ra âm thanh nào một cách trọn vành rõ chữ. Tình trạng của anh ta là không ai hiểu anh mà anh cũng khó mà hiểu người khác. 
Với văn hóa Do Thái thời Đức Giê-su thì các thứ bệnh có một nguyên nhân chính là do ma quỷ và do tội người đó gây nên. Vì thế mà họ không tìm đến bác sĩ, thay vào đó là họ tìm đến những Rabbi hay những bậc thầy trong dân để xin trừ quỷ. Đức Giê-su là đấng mà đám đông tìm đến để xin Người chữa cho người điếc và ngọng ấy. 
Họ không xin Đức Giê-su cho thuốc hay khám chữa bệnh cho anh ta mà lại xin "đặt tay". Hành động đặt tay là hành động của sự chúc lành. Vì thế, ta có thể hiểu rằng, người thanh niên đang trong tình trạng của sự dữ, đang bị mang quỷ bắt làm nô lệ cho hắn để rồi cả tai người ấy không nghe được những điều tốt đẹp xung quanh mà cũng chẳng thể mở miệng ca tụng Chúa. 
Tôi xem, cái điếc và cái ngọng của tôi trong đời sống hằng ngày diễn ra như thế nào? tôi có điếc trước những lời mời gọi sống tốt hơn hôm qua của Chúa hay tôi điếc trước những nỗi đau của anh chị em xung quanh tôi? Tôi có thấy mình bị ngọng khi miệng tôi chỉ thốt ra những tiếng "ú,ớ" mà không thể nào thốt ra được một lời an ủi, một câu ban chúc bình an? Thành thực và đơn sơ, tôi ngồi trong thinh lặng và đặt tên cho từng hành vi "ngọng", "điếc" của mình? nó đang trở thành rào cản khiến tôi không thể đến với người khác không?

2.Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 

Nước miếng theo y khoa có tác dụng chữa bệnh, cầm máu, làm nhanh lành vết thương, giúp tốt cho tiêu hóa. Vậy ta mới thấy nhiều người mẹ vẫn nhai cơm trước rồi mới đút cho con. 
Đức Giê-su không chữa anh như một màn biểu diễn phép thuật, Người kéo anh ra một bên. 
Bên cạnh một đám đông ồn ào, bốc mùi thì anh ở bên Đức Giê-su cách êm ả, lặng lẽ. 
Bên cạnh những xô bồ, chen lấn thì anh được Đức Giê-su đụng chạm cách nhẹ nhàng. 
Bên cạnh những tò mò, soi mói thì anh được Đức Giê-su ân cần chở che. 
Ngài kéo anh ra khỏi đám đông, khỏi những gì quen thuộc để đưa anh đến một nơi thinh vắng. 
Ngài đặt ngón tay vào tai anh, ngài bôi nước miếng vào lưỡi anh để giải phóng anh khỏi những rào cản. 
Ai cũng đã từng có kinh nghiệm sốt khiến ta ho nhiều, khàn tiếng, nghẹt mũi và có khi ù tai. Ta nói khó nghe, chẳng ai hiểu, họ chỉ đoán để biết ta cần gì. Tai ta trở nên cứng cỏi, mệt nhọc khi chẳng có thứ âm thanh nào làm êm ả nó dù là bản nhạc Thiên Thần. 
Đức Giê-su đến để chữa lành. Ngài đến để phá những cái hàng rào ngăn cách, những vực sâu xa lạ giữa ta và thế giới, giữa ta và anh em. 
Nhưng để Ngài có thể thực hiện được thì chỉ có trong thinh lặng, trong tình thân mật với Đức Giê-su thì ta mới thấy rõ mình "điếc" và "ngọng" ra sao. 
Lắm lúc, tôi muốn được chữa lành những tổn thương, tôi muốn được Chúa xóa bỏ những khi nghị xung quanh tôi, những thù hằn lặt vặt trong những mối tương quan hằng ngày, những hiểu nhầm vụn vặt. Nhưng tôi có can đảm để Ngài kéo tôi vào nơi thinh vắng, tránh khỏi đám đông ồn ào và khỏi những giây phút xáo động không? tôi có thực sự cần đến Chúa trong những giây phút buồn phiền, thất vọng?

Tâm sự: nói với Chúa những gì tôi cảm thấy trong lúc này? buồn hay vui và tại sao? tối muốn Chúa làm gì cho tôi? tôi muốn mình làm gì cho Chúa?

Kết thúc: xin đọc 1 kinh Lạy Cha

No comments:

Post a Comment